Những điều cần biết về bệnh lao và cách phòng tránh
Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium- Tubercurosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận trong cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 - 85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho người xung quanh. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khám sàng lọc bệnh laou động tại xã Bế Văn Đàn, huyện Quảng Hòa. Ảnh: Trọng Th

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới Lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có gần 28.000 người mắc và hơn 4.100 người chết vì bệnh lao. Kể từ năm 2000, với những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại bệnh lao, ước tính khoảng 66 triệu người đã được chữa khỏi. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Có hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo WH0 2020). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

COVID-19 và lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhung bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

Bệnh lao nguy hiểm nhưng có thể chữa khỏi hoàn toàn khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đồng thời giúp chúng ta ngăn chặn nguồn lây lan tại cộng đồng. Vì vậy, người bệnh cần đến khám và làm các xét nghiệm tại phòng khám chuyên khoa lao khi có các dấu hiệu sau:

Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất. Ngoài ra còn kèm theo các triệu chứng như: gầy sút cân, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm ban đêm; đau ngực, đôi khi khó thở.

Các biến chứng do bệnh lao gây ra bao gồm:

Ở phổi: biến chứng do lao gây ra là suy hô hấp, tâm phế mãn, tràn khí màng phổi, tràn mủ màng phổi, giãn phế quản, giãn phế nang.

Ở Não - màng não: gây liệt chi, liệt 1 nửa người, động kinh, rối loạn tiền đình.

Ở xương khớp: hủy hoại xương khớp (cột sống, khớp háng, khớp gối...).

Để hạn chế chế các biến chứng do bệnh lao gây ra, ngay khi phát hiện ra mình có dấu hiệu nhiễm lao, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và chẩn đoán chính xác. Việc điều trị lao phải được tiến hành càng sớm càng tốt. Thuốc điều trị lao được Nhà nước cấp miễn phí.

Nguyên tắc điều trị bệnh lao

Trong điều trị lao, bệnh nhân lao tuyệt đối không được bỏ thuốc ngắt quãng dù chỉ 1 ngày vì đó là khoảng thời gian mà vi khuẩn lao hồi phục và tấn công trở lại.  Phối hợp các thuốc chống lao: mỗi loại thuốc chống lao có tác dụng khác nhau trên vi khuẩn lao (diệt khuẩn, kìm khuẩn), do vậy phải phối hợp ít nhất 3 loại thuốc chống lao trong giai đoạn tấn công và ít nhất 2 loại thuốc trong giai đoạn duy trì.

Dùng thuốc đúng liều: mỗi loại thuốc có một nồng độ tác dụng nhất định; nếu dùng liều thấp sẽ không hiệu quả và dễ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc, dùng liều cao dễ gây tai biến. Dùng thuốc đều đặn: các thuốc chống lao phải được uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và uống trước và sau bữa ăn ít nhất 2 giờ để thuốc được hấp thu tốt nhất. Phải dùng thuốc đủ thời gian và theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì: giai đoạn tấn công kéo dài 2, 3 tháng nhằm tiêu diệt nhanh  số lượng lớn vi khuẩn để ngăn chặn các đột biến kháng thuốc. Giai đoạn duy trì kéo dài 4 - 6 tháng nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn Lao để tránh tái phát.

Trong suốt thời gian điều trị, bệnh nhân không tự ngưng thuốc hoặc bỏ thuốc vì uống thuốc không đều đặn, lúc uống  sáng, lúc tối, nhớ lúc nào uống lúc nấy... sẽ giảm hiệu quả điều trị. Vi khuẩn lao rất dễ kháng thuốc lao. Nồng độ thuốc diệt vi khuẩn lao không đủ hiệu lực sẽ tạo cho vi khuẩn lao kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác điều trị về sau. Ngoài ra còn tạo nguồn vi khuẩn lao  kháng  thuốc lây lan cho người thân và cho cộng đồng. Trong quá trình điều trị có thể có tác dụng phụ của thuốc lao xảy ra. Nhẹ: nổi mề đay, ngứa, mệt mỏi, đau nhức các khớp lớn (hội chứng giả gút). Nặng: sốc phản vệ, viêm gan, vàng da, đau bụng nôn ói, viêm trợt da. Nếu có những dấu hiện trên, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ điều trị biết để có hướng xử trí.

Dự phòng bệnh lao

Bệnh lao là một bệnh lây truyền, lây chủ yếu qua đường hô hấp từ người bệnh lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm sang người lành khi tiếp xúc, tuy nhiên bệnh lao có thể phòng và điều trị được.

Phòng bệnh lao là áp dụng các biện pháp nhằm giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn lao: Giảm nguy cơ nhiễm lao bằng thay đổi hành vi của người bệnh (vệ sinh hô hấp) nhằm làm giảm các hạt nhiễm khuẩn ra môi trường, dùng khẩu trang hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, khi hắt hơi, ho, khạc đờm vào giấy hoặc ca cốc, bỏ đúng nơi quy định, rửa tay xà phòng thường xuyên; cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày. Nhà cửa cần thoáng mát, sạch sẽ; tiêm phòng vắc xin BCG: giúp cho cơ thể hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao khi bị nhiễm lao. Người tiếp xúc, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi cần được đưa đến cở y tế khám lao và điều trị lao tiềm ẩn. Việc điều trị lao tiềm ẩn có thể ngăn ngừa tới 90% nguy cơ phát triển bệnh lao.

Đối với những người bị tiểu đường, suy dinh dưỡng, người có HIV/AIDS, người hút thuốc lá, người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, người sử dụng các thuốc giảm miễn dịch kéo dài như: Corticoid, hóa chất điều trị ung thư… rất dễ bị bệnh lao, do đó phải thường xuyên khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm bệnh lao.

Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, đủ thời gian. Thuốc điều trị bệnh lao được cấp miễn phí. Người bệnh không được tự ý bỏ điều trị vì như vậy bệnh không khỏi mà còn sinh ra lao kháng thuốc, điều trị càng khó khăn. Trong quá trình điều trị người bệnh cần thực hiện nguyên tắc đúng - đủ - đều (đúng phác đồ; đủ thuốc, đủ thời gian; đều đặn hàng ngày). 

Chủ đề ngày thế giới phòng chống lao 24/3/2022 của Việt Nam là “Giảm thiểu tác động của COVID-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao”. Chủ đề trên nhấn mạnh năm 2022 này sẽ là lúc để chúng ta giảm thiểu những tác động của dịch bệnh, thích ứng an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh mới, đặc biệt là tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống lao, trong đó tăng cường, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao. Hãy chung tay hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao

Mai Hoa- Sở Y tế Cao Bằng

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập