Bệnh viện Bạch Mai làm việc với BVĐK tỉnh về lĩnh vực thận nhân tạo
Ngày 17/6/2017, Đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai do Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo làm trưởng đoàn đã đến làm việc tại BVĐK tỉnh Cao Bằng về lĩnh vực thận nhân tạo. Làm việc với đoàn có bác sĩ Nông Tuấn Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế, đại diện các Phòng chức năng Sở Y tế; Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh và đại diện một số khoa, phòng Bệnh viện.
Tại Bệnh viện, Đoàn công tác đã trực tiếp xuống Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc để tìm hiểu về hoạt động, những kết quả đạt được cũng như những khó khăn còn vướng mắc trong quá trình tiến hành kỹ thuật lọc thận nhân tạo, từ đó có phương án hỗ trợ kịp thời, đảm bảo cho các hoạt động.

Đơn vị thận nhân tạo, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc, BVĐK tỉnh được thành lập từ tháng 10/2013. Khoa có 19 nhân lực (5 bác sĩ, 13 điều dưỡng, 1 hộ lý), trong đó có 2 bác sĩ, 6 điều dưỡng có chứng chỉ Thận nhân tạo; Hiện nay, bệnh viện có 6 máy chạy thận và 42 bệnh nhân đang được chạy thận nhân tạo chu kỳ, chia làm 3 ca/ngày (trừ ngày Chủ Nhật).

Về thực hiện kỹ thuật lọc máu: Với sự giúp đỡ của Bệnh viện Bạch Mai, một số cán bộ tại Khoa đã được đào tạo kỹ thuật lọc máu chu kỳ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn gặp khó khăn do hệ thống nước RO chưa được rửa theo quy trình vì chưa có kỹ thuật viên được đào tạo về chuyên môn xử lý nước.

Trước những khó khăn đó, Bệnh viện cũng đề nghị: Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục đào tạo cho một số bác sĩ, điều dưỡng chưa có chứng chỉ thận nhân tạo; Đào tạo kỹ thuật viên về xử lý hệ thống nước RO; Khoa phòng cần phải chuẩn hóa lại quy trình lọc máu, xử lý quả lọc, khử khuẩn để đảm bảo kỹ thuật lọc máu an toàn, hiệu quả.

Kết thúc ngày làm việc, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Đến nay, BVĐK tỉnh Cao Bằng đã có đơn vị thận nhân tạo độc lập, nguồn nhân lực đã được Bệnh viện Bạch Mai đào tạo và triển khai áp dụng đạt yêu cầu. Trang thiết bị hiện nay mới có 6 máy chạy thận, so với dân số tỉnh thì lượng máy là quá ít, do vậy cần thiết phải trạng bị thêm máy mới có thể đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân, để bệnh nhân sẽ không phải chạy thận ở các tỉnh lân cận, cũng như tuyến Trung ương. Kỹ thuật chạy thận nhân tạo có rất nhiều công đoạn phức tạp khác nhau, do vậy, người cán bộ phải được đào tạo chuyên sâu theo từng công đoạn và phải thường xuyên cập nhật kiến thức thì mới có thể điều trị cho người bệnh được tốt hơn.

Việc triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo tại tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh của bệnh viện, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có chỉ định chạy thận nhân tạo và lọc máu được thực hiện tại địa phương, hạn chế tỷ lệ chuyển tuyến và giảm chi phí điều trị cho người bệnh.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập