Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là hiện tượng các tế bào cổ tử cung trở nên bất thường, phát triển không kiểm soát tạo thành khối u trong cổ tử cung. Bệnh chiếm tỉ lệ cao trong tổng số các loại ung thư (chiếm 11% trong toàn bộ các loại ung thư của cả 2 giới, chiếm 22,35% trong ung thư sinh dục nữ). Tuổi thường gặp trong khoảng 30-59, tuy nhiên vẫn có thể gặp ở tuổi 20. Nếu mắc bệnh thì nguy cơ tử vong là rất cao, do vậy chị em cần phải trang bị cho mình những kiến thức về nguyên nhân gây bệnh cũng như cách phòng tránh để tránh xa căn bệnh nguy hiểm này.
Các yếu tố nguy cơ:

- Nhiễm Human Papilloma virus (HPV): virut HPV có khoảng 100 chủng loại khác nhau, trong đó có khoảng 40 loại gây bệnh ở vùng sinh dục, hậu môn và 15 loại được liệt vào loại đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ cao gây ra ung thư. Đặc biệt là HPV chủng 16, 18 được biết đến là virut có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung cao nhất. Tuy vậy, 11 chủng virut HPV khác cũng có khả năng cao gây ra ung thư cổ tử cung.
- Hút thuốc lá: Thuốc lá, đặc biệt là khói thuốc rất độc hại, đây là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư cổ tử cung.
- Sinh nhiều: sinh ba con trở lên thì tỷ lệ bị ung thư cổ tử cung cao gấp hai lần so với những người sinh ít con hơn.
- Quan hệ tình dục sớm: Virut HPV lây nhiễm chủ yếu qua đường tình dục không an toàn. Do đó, quan hệ tình dục quá sớm hoặc quan hệ với nhiều người không chỉ làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh xã hội mà còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
- Sinh con quá sớm dưới 17 tuổi: Khi sinh con ở độ tuổi này do cơ quan sinh dục chưa hoàn thiện cộng thêm sự thiếu hiểu biết về kiến thức vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách nên nữ giới dẫn dễ mắc phải các bệnh liên quan đến bộ phận sinh dục và đó chính là tác nhân để phát triển mầm mống gây ung thư.
- Vệ sinh cá nhân kém.
- Tiền sử viêm nhiễm đường sinh dục nhiều lần.
- Yếu tố di truyền: nếu trong gia đình từng có người mắc bệnh ung thư cổ tử cung thì nguy cơ mắc phải bệnh này sẽ cao hơn những người khác.
- Người có sức đề kháng kém, hệ thống miễn dịch suy yếu: Trong trường hợp hệ thống miễn dịch bị suy yếu thì sẽ làm tăng nguy cơ bị mắc các bệnh ở cổ tử cung và tình trạng này kéo dài sẽ phát triển thành ung thư.

Biểu hiện của bệnh:

Giai đoạn sớm: không có triệu chứng gì đặc biệt, người bệnh đi khám bệnh định kỳ hoặc làm xét nghiệm tế bào học tại cổ tử cung - âm đạo mới phát hiện ra bệnh.
Giai đoạn muộn thường có các triệu chứng:
- Ra máu bất thường ở âm đạo: ra máu sau giao hợp, giữa hai kỳ kinh, sau mãn kinh, sau đại tiện gắng sức.
- Ra khí hư nhiều, khí hư lẫn máu, có mùi hôi.
- Đau vùng hạ vị, đau ngang cột sống thắt lưng.
- Có thể biếng ăn, sút cân, suy thận, phù hai chân, rò phân và nước tiểu qua đường âm đạo…

Cách phòng ung thư cổ tử cung:

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này cần thực hiện tốt những biện pháp sau đây:
- Tiêm vacxin phòng ngừa HPV: nên tiêm vacxin HPV để phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung từ 9 – 26 tuổi. Tuy nhiên, vacxin HPV chỉ có tác dụng ngăn ngừa tiền ung thư chứ không phải ngăn ngừa bệnh ung thư khi đã di căn. Do vậy, nên tiêm vacxin HPV trước khi quan hệ tình dục để có hiệu quả ngăn ngừa bệnh tốt nhất. Đối với những người phụ nữ trên 40 tuổi, đã có quan hệ tình dục thì vẫn có thể tiêm vacxin HPV nhưng lúc này hiệu quả của thuốc lại không cao.
- Chú ý đến chế độ ăn uống: một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học sẽ giúp cho chị em có một cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng tốt, chống lại các nguy cơ gây bệnh. Do vậy cần phải chú ý và xây dựng cho mình một thói quen ăn uống tốt, cụ thể là:
+ Trong thực đơn hàng ngày bạn cần cung cấp cho mình đầy đủ các loại vitamin A, C, B1, B2… cho cơ thể.
+ Ăn nhiều dâu tây, gừng, nghệ, trà xanh, socola… những thực phẩm hỗ trợ phòng ngừa ung thư hiệu quả.
+ Hạn chế sử dụng những loại thực phẩm có tính nóng hay những đồ uống có chất kích thích như bia, rượu, nước uống có ga…
- Chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý: nên giữ tinh thần thật thoải mái, tránh làm việc quá sức, hạn chế căng thẳng, stress.
- Tập thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng cho cơ thể.
- Không nên quan hệ tình dục quá sớm, quan hệ tình dục an toàn, không quan hệ bừa bãi.
- Không hút thuốc và tránh xa môi trường có khói thuốc.
- Thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, không nên sinh quá nhiều con.
- Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đặc biệt là trong thời gian hành kinh và khi quan hệ tình dục.
- Khám phụ khoa định kỳ: Việc khám phụ khoa và làm xét nghiệm tầm soát ung thư định kỳ sẽ giúp cho chị em kiểm soát được sức khỏe của mình và phát hiện ung thư sớm nếu không may bị mắc phải, để từ đó có phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung kịp thời
Khi có những dấu hiệu bất thường của cơ thể nghi ngờ mắc ung thư cổ tử cung cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và có biện pháp chữa trị hiệu quả. Bệnh được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu vẫn có thể có được kết quả khả quan nếu điều trị tích cực và giữ cho mình một tinh thần lạc quan, tin tưởng. Với những biện pháp phòng bệnh ung thư cổ tử cung nêu trên sẽ giúp chị em phụ nữ trang bị cho mình những kiến thức quan trọng nhằm chủ động phòng ngừa để không bị mắc căn bệnh nguy hiểm thường gặp này.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập