Bệnh Alzheimer
Alzheimer là bệnh thoái hóa toàn bộ não bộ không hồi phục, gây nên chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Tổn thương tế bào thần kinh ở vỏ não và những cấu trúc xung quanh làm sa sút trí nhớ, giảm phối hợp vận động, giảm cảm giác, cảm nhận sai... cuối cùng là mất trí nhớ và chức năng tâm thần. Alzheimer là bệnh gây tử vong ở người cao tuổi đứng hàng thứ 4 hiện nay
Nguyên nhân gây bệnh Alzheimer

Hiện nay, chưa có một nguyên nhân chính xác nào được xác định gây ra bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, một số giả thiết cho rằng, sự tích tụ các protein cùng họ với Amyloid beta dẫn đến hình thành các “đám rối sợi thần kinh” bên trong tế bào thần kinh. Các vi ống tế bào tan rã làm chết tế bào dẫn đến hỏng hệ thống hoạt động của hệ thần kinh.

Một giả thuyết khác là sự phá hủy myelin trong quá trình lão hóa dẫn đến giảm khả năng dẫn truyền trong trục thần kinh gây phá hủy các nơron.

Ngoài ra, một nguyên nhân có thể kể đến là do rối loạn quá trình sản xuất và hoạt động của các chất oxy hóa trong cơ thể. Trong một số trường hợp virus Herpes simplex loại 1 có thể gây bệnh ở những người mang gen apoE mẫn cảm với virus này.

Yếu tố nguy cơ:

- Tuổi tác: Bệnh Alzheimer thường xuất hiện ở người trên 65 tuổi, nhưng đôi khi cũng thấy ở bệnh nhân dưới 40. Phụ nữ bị nhiều hơn nam giới, một phần vì giới nữ có tuổi thọ cao hơn.
- Yếu tố di truyền: Nguy cơ bị Alzheimer tăng nhẹ nếu như có một người thân (cha mẹ, anh chị em ruột) bị bệnh này.
- Yếu tố môi trường: Nhiễm trùng, nhiễm kim loại (người ta phát hiện kẽm, đồng tích tụ trong mô não người bị Alzheimer), môi trường điện từ trường, nhiễm độc...

Triệu chứng của bệnh:

Các ca bệnh Alzheimer có đặc điểm riêng biệt đối với mỗi cá nhân, tuy nhiên có nhiều triệu chứng tương đồng xuất hiện thường gây nhầm lẫn với các bệnh “liên quan đến tuổi già”, hoặc biểu hiện của stress. Dưới đây là 10 dấu hiệu nhận biết bệnh:

1. Giảm trí nhớ tới mức đảo lộn cuộc sống hàng ngày: quên tên người đã quen biết từ trước hoặc quên một công việc nào đó đã sắp xếp để làm nhưng vào một lúc nào đó nhớ lại được (rằng mình đã quên). Một trong các dấu hiệu chung nhất là quên những điều mới được nhắc tới. Quên thời điểm, sự kiện hàng ngày, do đó hỏi đi hỏi lại người thân, hay phải nhờ đến sổ ghi nhắc nhở.
2. Không đưa ra được kế hoạch hay không thực hiện được một công việc nào đó: có lúc làm sai hoặc không làm được, phải cần đến sổ ghi nhắc nhở, khó tập trung lâu để làm một việc nào đó mà trước kia đã làm bình thường suôn sẻ.
3. Không thể hoàn tất công việc nhà hay việc nào đó ngay cả khi đang rảnh rỗi. Đôi khi không biết đến những nơi trước kia thân thuộc, không biết tiền còn nhiều hay ít, quên cả nguyên tắc trò chơi thích thú.
4. Lầm lẫn thời điểm trong ngày, ngày trong tuần. Đôi khi quên nơi đang ở và đến đây bằng cách nào.
5. Mắt nhìn kém đi vì đục thủy tinh thể. Đây là một dấu hiệu bệnh Alzheimer, đọc chữ kém, không biết khoảng cách xa gần, khó xác định màu sắc. Có thể không biết tấm gương trước mặt và nghĩ có người trong đó.
6. Khó khăn tìm đúng từ để nói hay viết, không ráp nối được các ý nghĩ khi nói chuyện, ngưng giữa chừng, hết ý nghĩ để tiếp tục câu chuyện dở dang và do đó tự lặp lại.
7. Để đồ vật không đúng chỗ như mọi ngày, mất khả năng quay lại tìm đúng chỗ cũ.
8. Khả năng nhìn nhận phán xét giảm. Xử lý, giải quyết hay làm sai việc gì đó trong một khoảng thời gian, ví dụ nhìn nhận sai về tiền bạc của mình, cho không đúng đối tượng. Ít chú ý đến ăn mặc, giữ quần áo không sạch.
9. Rút lui khỏi công việc và sinh hoạt xã hội. Đôi khi cảm thấy mệt mỏi, chán với công việc, với người thân và với những trao đổi bên ngoài. Người bệnh có thể bắt đầu tự tránh xa các hứng thú trước đó, các hoạt động quan hệ bên ngoài.
10. Thay đổi tính nết: trở nên cáu kỉnh khi sinh hoạt thường lệ bị thay đổi hay gián đoạn. Người bệnh có thể trở nên lẫn lộn, nghi ngờ, phiền muộn , lo âu hay quá sợ sệt. Có thể làm đảo lộn bất hòa trong gia đình, với bạn bè hay nơi lẽ ra thoải mái.

Biến chứng của bệnh:

Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân Alzheimer mất tất cả các khả năng tự chăm sóc cho bản thân, ăn uống khó khăn, không kìm chế hoặc không thể kiểm soát bước đi và thường đi lang thang khỏi nhà. Mất các khả năng kiểm soát này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như:

- Viêm phổi: Khó nuốt thức ăn và các dịch uống làm bệnh nhân dễ hít các chất này vào phổi, gây ra viêm phổi.
- Nhiễm trùng: Bệnh nhân thường đi tiểu không tự chủ nên phải đặt thông tiểu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường niệu, nếu không được điều trị sẽ càng nặng hơn, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh.
- Vấp ngã và các biến chứng: Người bệnh thường bị mất định hướng và dễ dàng bị vấp ngã, làm tăng nguy cơ gãy xương; Chấn thương đầu nặng như: xuất huyết nội sọ, bệnh nhân phải chịu phẫu thuật nằm viện dài ngày, càng làm tăng nguy cơ huyết khối trong não, tim, phổi, loét da do tư thế,…tất cả đều đe dọa mạng sống người bệnh.

Bệnh Alzheimer có phòng ngừa được không?

Dù nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã cố tìm những biện pháp nhằm giảm nguy cơ của bệnh, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả vì nguyên nhân chính yếu gây bệnh chưa được biết đến. Do đó việc phòng ngừa cũng chỉ là hạn chế các yếu tố nguy cơ. Dưới đây là một số biện pháp tích cực nhằm hạn chế bệnh:

- Ăn lành mạnh: ăn các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và ít chất béo bão hòa (là loại chất béo có nguồn gốc từ động vật như: mỡ bò, mỡ lợn và mỡ cừu, da của gia cầm...); Trans fat (đây có thể coi là loại chất béo xấu nhất cho cơ thể, thường có trong: đồ ăn chiên rán, thực phẩm nướng, các loại đồ ăn chế biến sẵn) và không nên chế biến thức ăn quá mặn. Cá, thịt gà và các loại hạt đã được chứng minh có thể giảm nguy cơ mắc Alzheimer. Ngoài ra, chế độ ăn giàu chất chống ô xy hóa cũng có tác dụng bảo vệ não hữu hiệu.
- Vận động: tập thể dục có tác dụng làm tăng lưu lượng máu và ô xy lên não - một trong những yếu tố giúp não khỏe mạnh, tránh được bệnh, những người có sức khỏe tổng thể tốt thường giảm được nguy cơ của nhiều bệnh, bao gồm cả Alzheimer.
- Bảo vệ tim: nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer hoặc chứng mất trí nhớ có liên quan mật thiết đến những người có vấn đề về tim mạch, chẳng hạn cao huyết áp, bệnh tim và tiểu đường.
- Kiểm soát huyết áp: những người có khả năng kiểm soát huyết áp có thể giảm được rất nhiều sự tích lũy beta-amyloid, mảng bám trên não (vốn là dấu hiệu của Alzheimer) hơn những người không kiểm soát được huyết áp của mình.
- Tránh tổn thương đầu: Khá nhiều cuộc nghiên cứu gần đây đã tìm ra được mối liên kết của nhiều loại mất trí nhớ với việc chấn thương đầu. Hầu hết các nghiên cứu tập trung vào sự gia tăng bệnh Alzheimer và các bệnh não khác ở các vận động viên chuyên nghiệp, và phát hiện ra rằng bất kỳ loại chấn thương nào ở đầu cũng có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ.
- Giảm căng thẳng: Căng thẳng quá mức sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer. Một nghiên cứu của Thụy Điển gần đây cho thấy căng thẳng kinh niên làm tăng steroid, chất có tác dụng ức chế khả năng hoạt động của não.
- Luyện tập não: Đọc sách, chơi cờ, giải ô chữ hoặc tham gia các lớp giáo dục thường xuyên sẽ giúp đầu óc minh mẫn và nhạy bén hơn rất nhiều.
Việc điều trị căn nguyên gây ra bệnh Alzheimer rất khó và hiện nay vẫn tập trung vào điều trị triệu chứng là chính. Khi bản thân hoặc người nhà có những biểu hiện hay quên và độ tuổi từ 40 trở lên cần phải đưa đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được khám, phát hiện bệnh sớm, theo dõi, ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập