Tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc qua các trang mạng xã hội
Lượt xem: 3482

Ngày 30/01/2023, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Công văn số 165/UBND-VX về việc tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc qua các trang mạng xã hội.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân đăng quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc mà có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo các thuốc chưa được cấp phép lưu hành của Bộ Y tế, quảng cáo các thuốc khi chưa có cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo. Có biện pháp xử lý với các nền tảng quảng cáo trên các kênh và các trang mạng xã hội, yêu cầu tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo.

Thực hiện công tác thông tin, truyền thông cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tuyệt đối không được sản xuất kinh doanh thuốc giả; tổ chức tuyên truyền phổ biến về nguy cơ và tác hại của các sản phẩm không phải là thuốc quảng cáo trên các trang mạng xã hội; nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh phòng, chống thuốc giả, phát hiện và kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng về các đối tượng, tụ điểm sản xuất kinh doanh thuốc giả để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Sở Công thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động quảng cáo sản phẩm không phải là thuốc nhưng có tác dụng như thuốc chữa bệnh của các công ty đa cấp, sàn giao dịch thương mại điện tử (nếu có). Có biện pháp theo dõi, giám sát các hoạt động đa cấp, đặc biệt là các buổi hội thảo, hội nghị phát triển thành viên của các công ty, lồng ghép việc quảng cáo tác dụng các sản phẩm sai sự thật, gây hiểu lầm cho người sử dụng.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tuyên truyền các quy định của pháp luật về quảng cáo, đặc biệt là không quảng cáo các thuốc chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép và chưa qua kiểm duyệt xác nhận nội dung. Phát hiện và xử lý nghiêm các nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật trên địa bàn tỉnh tham gia quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo thổi phồng tác dụng, công dụng chữa bệnh của sản phẩm.

Công an tỉnh chỉ đạo trực tiếp, phối hợp kiểm tra xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về quảng cáo trên mạng xã hội. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, Thành phố điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân thực hiện việc quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Chủ động bố trí lực lượng phối hợp với ngành y tế, các sở, ngành kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán qua biên giới các thuốc giả, thuốc không đảm bảo chất lượng, thuốc nhập lậu; tránh để các sản phẩm không phải là thuốc, không được các cơ quan chức năng cấp phép xâm nhập vào hệ thống phân phối, lưu thông và sử dụng trên địa bàn tỉnh.

UBND các huyện, Thành phố tăng cường chỉ đạo công tác quản lý, kiểm soát, kiểm tra chất lượng thuốc, đấu tranh chống các thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc. Chú trọng việc điều tra, khám phá các đường dây buôn bán, cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc trái phép. Chỉ đạo các đơn vị tại địa phương tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; quán triệt sâu sắc, đề cao trách nhiệm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là nhóm hàng liên quan đến chăm sóc, nâng cao sức khỏe con người. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, triển khai đồng bộ các biện pháp và kiên quyết đấu tranh từng bước đẩy lùi tệ nạn này.

Sở Y tế phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến người dân về tác hại của việc tự mua thuốc điều trị; tuyên truyền, vận động người dân đến khám bệnh và điều trị tại các cơ sở y tế khi có bệnh và chỉ mua thuốc tại các cơ sở đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động; khi mua thuốc phải có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn, chứng từ hợp lệ làm căn cứ. Chủ động nắm bắt thông tin về sản xuất, mua bán, quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc trên mạng xã hội và qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh thông tin, tham mưu xử lý nghiêm các vi phạm trên địa bàn tỉnh. Công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng để người dân biết, tránh mua phải các thuốc chưa được cấp phép lưu hành.

Xây dựng và thực hiện kế hoạch thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường thuốc. Thiết lập và công bố các đường dây nóng (điện thoại, email) để tiếp nhận thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân về các hành vi sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng; kịp thời xử lý thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tổng hợp tình hình thuốc giả trên địa bàn báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

K.C 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1