Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra

Theo thông báo khẩn số 118/TB-BVNTW ngày 01/9/2023 của Bệnh viện Nhi Trung ương về việc tăng cường quản lý, giám sát, phát hiện, cách ly và điều trị ca bệnh Bạch hầu. Hiện nay, tại huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang ghi nhận trường hợp mắc bệnh Bạch hầu, ca bệnh nghi ngờ đầu tiên xuất hiện ngày 21/8/2023 cho đến nay đã ghi nhận 32 trường hợp nghi ngờ, trong đó có 01 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính; các trường hợp còn lại có kết quả âm tính; 02 trường hợp diễn biến nặng và tử vong. Dịch bệnh Bạch hầu đã xuất hiện trên 8 xã, thị trấn của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang gồm: Khâu Vai; Cán Chu Phìn; Giàng Chu Phìn; Pả Vi; Lũng Pù; Niêm Tòng; Tả Lùng; Thị trấn Mèo Vạc. Ngày 01/9/2023 Bệnh Viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 01 Bệnh nhân nữ 12 tuổi tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, diễn biến bệnh ngày thứ 11 với các triệu chứng: Sốt, đau họng, khó thở hiện tại bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới.
Trước tình hình đó, để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh Bạch hầu, hạn chế mức thấp nhất số ca mắc và tử vong do dịch bệnh Bạch hầu gây ra. Trung tâm Y tế các huyện Bảo Lạc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh với các nội dung sau:
1. Tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Bạch hầu trên các phương tiện thông tin đại chúng, các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh và lợi ích của tiêm vắc xin phòng bệnh.
2. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh Bạch hầu thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị kịp thời không để dịch lây lan ra tại cộng đồng.
3. Là địa phương tiếp giáp với vùng có ca bệnh, nhu cầu giao lưu, đi lại của người dân là rất lớn, để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cần tăng cường giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể từ thôn bản đến xã, thị trấn để kịp thời nắm bắt thông tin, không để dịch bệnh Bạch hầu bùng phát lây lan ra cộng đồng. Nếu phát hiện có trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, tiến hành lập danh sách và lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện cách ly tại nhà và theo dõi sức khoẻ trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh. Khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho các cơ sở y tế nơi gần nhất để triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dich bệnh kịp thời.
4.Rà soát tất cả các trẻ dưới 01 tuổi và trẻ 18 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin có chứa thành phần Bạch hầu để tiêm bổ sung, tiêm vét cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Mậu Thật